(Tổ Quốc) - Sáng 3/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 với chủ đề “Phát huy vai trò động lực văn hóa, thể thao và du lịch với sự phát triển bền vững đất nước”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến.
Về phía Bộ VHTTDL có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng; các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương.
Báo cáo "Công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024" khẳng định, trong năm 2023, thực hiện nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chắc chắn, linh hoạt, sát thực tiễn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, sự ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Trong đó, lĩnh vực Thể thao đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, mang lại nhiều tính hiệu tích cực cho những năm tiếp theo. Cụ thể, công tác quản lý nhà nước, xây dựng văn bản, đề án về thể dục thể thao về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ. Bộ VHTTDL đã trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045. Ban hành 1 Thông tư; Xây dựng 7 Thông tư, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng báo cáo kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020. Đồng thời, hoàn thiện Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT; Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2024-2045.
Về Thể dục thể thao cho mọi người, năm 2023, ngành TDTT dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ VHTTDL đã tích cực triển khai cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và "Chương trình xây dựng nông thôn mới". Hướng dẫn địa phương tổ chức các hoạt động thể dục thể thao gắn liền với những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.
Bên cạnh đó, ngành cũng cử các VĐV tham dự các giải thể thao người khuyết tật quốc tế, giành 69 HCV, 71 HCB và 89 HCĐ. Trong đó, tại ASEAN Para Games 12, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam giành 66 HCV, 59 HCB, 78 HCĐ, lập 19 kỷ lục Đại hội, xếp thứ 3/11 đoàn tham dự. Tại ASIAN Para Games 4, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam giành được 01 HCV, 10 HCB, 09 HCĐ, VĐV Lê Văn Công môn Cử tạ được chính thức tham dự Paralympic 2024.
Các đội tuyển Thể thao thành tích cao trong năm 2023 đã tham dự các giải đấu quốc tế lớn như SEA Games 32, ASIAD 19, vòng loại Olympic 2024 cùng các giải thể thao cấp khu vực, châu lục, thế giới… Đồng thời, phối hợp với địa phương, liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia tổ chức gần 200 giải thể thao quốc gia và quốc tế tổ chức tại Việt Nam, 18 lớp tập huấn cho huấn luyện viên, trọng tài thể thao quốc gia. Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ, các VĐV Việt Nam đã xuất sắc giành 1.429 huy chương quốc tế (trong đó 571 HCV, 404 HCB, 454 HCĐ); xếp vị trí thứ nhất toàn đoàn tại SEAGames 32, với tổng số 136 HCV, 105 HCB, 118 HCĐ, phá 12 kỷ lục và thiết lập 4 kỷ lục SEA Games; lần thứ 2 liên tiếp giành HCV Bóng đá U23 nam Đông Nam Á; hoàn thành chỉ tiêu đề ra với 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ, xếp vị trí thứ 21/45 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Đại hội Thể thao châu Á. Các môn Bơi, Xe Đạp, Bắn súng được chính thức tham dự Olympic 2024 tại Pháp.
Hoạt động thể dục, thể thao tại các địa phương đã bám sát định hướng, đảm bảo đúng yêu cầu kế hoạch đề ra và đạt được những kết quả tích cực, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của của ngành và địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, thể thao Việt Nam dựa trên 2 trụ cột gồm thể thao cho mọi người và thể thao thành tích cao. Hai trụ cột trên có sự liên kết chặt chẽ, bổ trợ lẫn nhau khi thể thao cho mọi người với cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" để phát hiện tạo nguồn, đưa thể thao thành tích cao phát triển.
Những yếu tố này đã góp phần giúp Đoàn Thể thao Việt Nam giành thành tích xuất sắc, dẫn đầu toàn đoàn, vượt chỉ tiêu đề ra tại Kỳ SEA Games được tổ chức tại nước bạn Campuchia, thi đấu đạt kết quả tốt ở ASIAD 19 tại Trung Quốc, vòng loại Olympic và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới với những kết quả khả quan. Đồng thời, cũng tạo tiền đề để đội tuyển bóng đá nữ quốc gia lần đầu tiên giành quyền tham dự World Cup.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Thể thao mang lại sức mạnh thể chất, tinh thần, ý chí, mỗi công dân khỏe mạnh, có ý chí kiên cường thì cả dân tộc sẽ khỏe mạnh, kiên cường và đất nước sẽ kiên cường, hùng cường, thịnh vượng.
"Chúng ta tự hào đã và đang làm rạng danh hơn ngành VHTTDL, góp phần phát triển đất nước hùng cường thịnh vượng. Nói về năm 2023, các báo cáo, minh họa của các đồng chí đại biểu đã khẳng định vấn đề liên quan đến nhận thức, tình hình, giải pháp, kết quả và thành tựu các đồng chí đã đạt được. Năm 2023 là năm đầy thách thức, khó khăn nhưng chúng ta đã vượt qua được, chiến thắng những khó khăn, đạt được thành quả hết sức trân trọng" – Thủ tướng khẳng định.
Hướng tới các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2024, Thủ tướng đề nghị Bộ VHTTDL, ngành TDTT cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tiếp tục phát triển sâu rộng TDTT, quyết tâm tạo đột phá trong xây dựng thể chế, hoàn thiện chủ trương đường lối theo chính sách của Đảng, Nhà nước.
"Chúng ta cần củng cố, nâng cao hiệu quả, đổi mới mô hình hoạt động, cách thức quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về TDTT, phát triển thể thao chuyên nghiệp toàn diện, bền vững. Nếu chỉ phát triển Thể thao thành tích cao thì cũng chưa toàn diện. Phát triển thể thao chuyên nghiệp, trong đó có thể thao thành tích cao. Thể thao chuyên nghiệp chính là phát triển bền vững" – Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Lấy ví dụ về các VĐV thể thao, Thủ tướng đặt ra câu hỏi về sự nghiệp của các VĐV khi còn tuổi thi đấu đỉnh cao và khi chuyển trạng thái, không còn thích ứng với các hoạt động thể thao thành tích cao. Đây là vấn đề ngành Thể thao cần mở rộng, nghiên cứu thêm, hoàn thiện cơ chế chính sách.
Thủ tướng cũng đề nghị ngành TDTT tiếp tục thực hiện chiến lược đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao theo hướng có trọng tâm trọng điểm, chọn bước đi phù hợp với tình hình kinh tế nước ta.
Đối với Thể thao cho mọi người, Thủ tướng đề nghị ngành TDTT tiếp tục nghiên cứu, đổi mới các phong trào TDTT quần chúng gắn với cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Đồng thời, quyết tâm thực hiện, đẩy mạnh Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em.
"Trong giai đoạn phát triển mới, tôi rất mong muốn và tin tưởng rằng, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ VHTTDL, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành VHTTDL sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp, kết quả đã đạt được trong những năm vừa qua, tiếp tục chung sức, đồng lòng, đoàn kết, kỉ luật, kỉ cương, đồng lòng hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa, xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, thể thao, du lịch, để góp phần xây dựng đất nước ta hùng cường, dân tộc ta vững mạnh, đời sống nhân dân ngày càng ấm no" – Thủ tướng nhấn mạnh.