Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, phải có giấc mơ lớn, có hoài bão, có khát vọng. Tuy nhiên, có giấc mơ lớn thì phải biết thức dậy để hành động, để biến ước mơ, mong ước cháy bỏng đó thành hiện thực.
Chiều 3/1, tại trụ sở Bộ VHTTDL, ngay sau khi kết thúc phiên làm việc buổi sáng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tiếp tục chủ trì phiên làm việc nội bộ tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ VHTTDL. Dự Hội nghị có các Thứ trưởng và tập thể lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL. Làm rõ các vấn đề còn vướng mắc, tồn tại để tìm phương hướng giải quyết
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành văn hoá, thể thao, du lịch diễn ra trong một ngày. Trong đó, tại phiên làm việc buổi sáng, chúng ta đã làm công tác tổng kết mở rộng, kết nối với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với sự tham gia của Lãnh đạo nhiều địa phương. Hội nghị vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Cho ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng đã dành nhiều thời gian để nêu bật những thành tựu của ngành văn hoá, thể thao, du lịch trong thời gian qua, đồng thời cũng chỉ rõ những khó khăn, hạn chế còn gặp phải. Đặc biệt, Thủ tướng đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để ngành thực hiện trong thời gian tới.
Bộ trưởng cho biết, phiên làm việc buổi sáng nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu tham dự khi đã đề ra được các giải pháp có tính căn cơ, có nội dung đã vượt qua khuôn khổ của một hội nghị tổng kết năm thông thường.
Tiếp nối tinh thần đó, trong phiên làm việc buổi chiều, hội nghị dành thời gian làm việc "có tính chất nội bộ" với các đơn vị trong Bộ để tiếp tục làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến hoạt động của ngành văn hoá, thể thao, du lịch trong năm qua. Đặc biệt, tập trung làm rõ các vấn đề còn vướng mắc, tồn tại để tìm phương hướng giải quyết.
Gợi mở các vấn đề liên quan đến công tác thể chế, công tác tài chính, công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng, đoàn kết nội bộ trong các đơn vị, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu phát biểu, trao đổi thẳng thắn, với tinh thần dân chủ, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra Bộ và đại diện một số đơn vị đã báo cáo cụ thể các công việc thực hiện trong năm 2023, đi sâu phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công việc.
Các Thứ trưởng phụ trách các lĩnh vực đã phát biểu, làm rõ hơn đối với từng nhóm vấn đề còn tồn tại trong các lĩnh vực được phân công phụ trách.
Trong đó, làm rõ hơn vấn đề về thể thao thành tích cao và công tác chuyển đổi số tại Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Hoàng Đào Cương cho biết, thể thao thành tích cao luôn được lãnh đạo Bộ VHTTDL quan tâm và có sự chỉ đạo sát sao đối với Cục Thể dục thể thao để tìm giải pháp nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Trên cơ sở phân tích, làm rõ các thế mạnh của thể thao Việt Nam, lãnh đạo Bộ VHTTDL yêu cầu Cục Thể dục thể thao triển khai kế hoạch, tập trung đầu tư vào các môn thể thao trọng điểm mà Việt Nam có lợi thế. Sử dụng nguồn lực được nhà nước cấp một cách có hiệu quả nhất, đạt được nhưng thành tích tương xứng.
Trước mắt, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị Cục Thể dục thể thao cần tập trung chuẩn bị chu đáo cho Olympic 2024 tại Pháp và Asiad 20 tại Nhật Bản để đạt thành tích cao nhất, tất cả vì lợi ích, thành tích chung của thể thao Việt Nam.
Đối với vấn đề chuyển đổi số, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, Bộ đang triển khai dư án về nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung của Bộ VHTTDL. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị kiện toàn trang thiết bị, trình độ nghiệp vụ của cán bộ để triển khai thành công dự án, kết nối các đơn vị vào mạng lưới nền tảng dùng chung của Bộ.
Phát biểu về các vấn đề của các Nhà hát và đơn vị đào tạo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, hiện các Nhà hát của Bộ đang gặp nhiều khó khăn về doanh thu cũng như tiếp cận khán giả. Nguyên nhân đến từ nguồn kinh phí bị phụ thuộc, vấn đề nhân lực cũng như điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, trong những năm tới, việc quan trọng nhất đối với các nhà hát là phải giải quyết được vấn đề đặt hàng thêm các vở diễn, đồng thời bố trí thêm biên chế cho các nhà hát.
Tương tự, các cơ sở đào tạo của Bộ cũng gặp vướng mắc liên quan đến Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp, vấn đề thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, máy móc hiện đại, đặc biệt các trường điện ảnh và âm nhạc.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng cần tập trung đầu tư cho một số trường trọng điểm để dồn kinh phí, có điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật tốt, từ đó trở thành đầu tàu kéo các trường khác đi lên.
Liên quan đến công tác Đảng, với vai trò Bí thư Đảng ủy Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, trong thời gian tới, Đảng ủy Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra để giúp đỡ các đơn vị trong Bộ chỉnh đốn công tác Đảng, sinh hoạt chi bộ.
Nêu ý kiến về các vấn đề thể chế, quản trị nội bộ và vấn đề truyền thông, Thứ trưởng Trinh Thị Thủy nhấn mạnh, vấn đề xây dựng thể chế trong năm 2024 là một trong những nhiệm vụ hết sức trọng tâm và phải được đặt lên hàng đầu.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu các đơn vị phải có sự rà soát, phát hiện những vấn đề đã lạc hậu để tham mưu lãnh đạo Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Thứ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải là người chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ trưởng trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Hàng tháng, lãnh đạo Bộ sẽ họp với các đơn vị để rà soát các điểm nghẽn, đôn đốc xử lý các vấn đề cần tập trung tháo gỡ, đồng thời sẽ có xếp hạng với các đơn vị về mức độ hoàn thành công việc.
Về công tác quản trị nội bộ, thanh tra kiểm tra, trong năm 2024, quán triệt tinh thần người đứng đầu phải chịu trách nhiệm rà soát, nâng cao công tác quản trị nội bộ tại các đơn vị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu các đơn vị cố gắng giải quyết dứt điểm vấn đề tồn đọng, để công tác quản trị nội bộ đạt chất lượng, không phát sinh vấn đề mới.
Đối với công tác truyền thông, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị các đơn vị chủ động từ sớm, từ xa, phối hợp nhuần nhuyễn đề làm tốt công tác truyền thông chính sách. Những nỗ lực của ngành đã được "trả công" xứng đáng
Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị các đơn vị nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của các Thứ trưởng cũng như những trao đổi nghiệp vụ của các đơn vị khác để triển khai vận dụng.
Bộ trưởng khẳng định, tuy chặng đường phía trước còn dài, nhưng nhìn lại hơn nửa nhiệm kỳ đã qua có thể khẳng định, những nỗ lực của chúng ta đã được "trả công" xứng đáng và được xã hội công nhận.
Cho rằng cán bộ quản lý là người giữ vai trò quan trọng, Bộ trưởng nhấn mạnh, làm lãnh đạo phải gắn liền với lý tưởng, với ước mơ.
"Phải có giấc mơ lớn, có hoài bão, có khát vọng. Nhưng có giấc mơ thì phải biết thức dậy để hành động, biến ước mơ, mong ước cháy bỏng đó thành hiện thực. Và hiện thực đó phải dựa trên thực tiễn, thực tế chứ không phải là giấc mơ viển vông", Bộ trưởng bày tỏ.
Đánh giá năm 2023 toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song Bộ trưởng nhấn mạnh bước sang năm 2024, toàn ngành phải tiếp tục thay đổi.
Bộ trưởng chỉ ra 6 từ khóa cho ngành văn hoá, thể thao, du lịch năm 2024 đó là: "thể chế", "sáng tạo" , "liên kết", "tăng tốc" và "về đích". Đây là nhiệm vụ của toàn ngành và Bộ VHTTDL phải tiên phong để thực hiện.
Thống nhất với các mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ đã được nêu trong báo cáo tổng kết, Bộ trưởng chia sẻ thêm một số nhiệm vụ:
Thứ nhất, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của thủ trưởng các đơn vị, yêu cầu người đứng đầu của mỗi đơn vị phải biết biến ước mơ của đơn vị mình thành hiện thực, phát huy sự sáng tạo, nguồn lực của đơn vị để tạo nguồn và lấy lại hình ảnh cho đơn vị.
Thứ hai, về các nhiệm vụ năm 2024, ngoài những vấn đề đã được nêu trong báo cáo, Bộ trưởng yêu cầu các đơn phải quán triệt sâu sắc 8 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra tại Hội nghị tổng kết phiên buổi sáng.
Bộ trưởng giao Vụ Tổ chức cán bộ rà soát lại chương trình ký kết của các Cục trưởng, Vụ trưởng với Bộ trưởng theo hướng chọn việc trọng tâm, trọng điểm, bám sát 8 nhiệm vụ Thủ tướng giao. Giao các Thứ trưởng ký với các đơn vị sự nghiệp theo đúng chức năng nhiệm vụ để tháo gỡ các điểm nghẽn.
Thứ ba, Bộ trưởng yêu cầu phải chú ý vấn đề thi tuyển công chức và viên chức. Trong đó, về viên chức, các đơn vị phải tập trung, coi đây là nhiệm vụ của mình để xây dựng kế hoạch, Vụ Tổ chức cán bộ phải có hướng dẫn để các đơn vị thực hiện, nhất là đối với các cơ sở đào tạo, các đoàn nghệ thuật.
Về công chức, Bộ trưởng yêu cầu phải thực hiện ngay theo Đề án 140 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nếu thiếu sẽ tiếp tục tổ chức thi tuyển và phải hoàn thành trong quý I năm 2024.
Thứ tư, Bộ trưởng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ về mặt ngân sách, sử dụng có hiệu quả nhất trên tinh thần tiết kiệm, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và sẽ điều chỉnh ngân sách cho các đơn vị sử dụng có hiệu quả.
Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng làm sớm, chủ động, từ xa. Trong đó tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại.
Thứ sáu, về thể chế, bên cạnh các công việc đang làm, Bộ trưởng yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ các thông tư đã lạc hậu để đề xuất sửa đổi. Trong quá trình thực hiện phải có sự liên kết, chủ động làm việc với các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện.
Cuối cùng, về vấn đề xây dựng cơ sở vật chất, Bộ trưởng đề nghị Ban Quản lý dự án của Bộ phải công khai, minh bạch, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Các đơn vị thụ hưởng phải phối hợp, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát tài sản. Đồng thời phải giải quyết dứt điểm các dự án đang còn vướng mắc.
Xuân Trường - Ảnh: Nam Nguyễn
Nguồn: vhttdl.gov.vn