Kết luận 70 -KL/TW của Bộ Chính trị được ban hành đã trở thành kim chỉ nam cho những định hướng phát triển của ngành TDTT trong giai đoạn tới. Trong đó, đổi mới giáo dục thể chất (GDTC) và thể thao trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Kết luận. Đổi mới giáo dục thể chất và thể thao trường học gắn với mục tiêu giáo dục toàn diện
Công tác GDTC và thể thao trường học luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo sát sao với nhiều cơ chế, chính sách phù hợp. Nhờ vậy, công tác GDTCvà thể thao trong trường học đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn bộ các trường từ cấp tiểu học, THCS, THPT đều tiến hành giảng dạy thể dục với thời lượng 2 tiết/tuần theo khung chương trình; 100% các trường thành lập CLB thể thao phù hợp với thực tế như: Võ, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, cờ vua... để huy động tối đa học sinh có năng khiếu với từng môn tham gia.
Trong quá trình xây dựng chương trình các môn học GDTC đã từng bước được mở rộng, trong đó, có các nội dung tự chọn, có sự liên thông giữa các bậc học theo nguyên tắc kế thừa và phát triển. Chương trình giảng dạy môn học GDTC đã có nhiều đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp, cung cấp được một phần về kiến thức, kĩ năng vận động, hình thành thói quen tập luyện TDTT cho học sinh và xây dựng lối sống lành mạnh, giáo dục đạo đức, ý chí; giúp học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào hoạt động thường ngày, nhằm nâng cao sức khỏe và hoàn thiện thể chất, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Cùng với sự thay đổi của hệ thống giáo dục, công tác GDTC cũng được gắn liền với các mục tiêu, yêu cầu của người học, cấp học. Vị trí, vai trò của GDTC được xã hội quan tâm. Trong hệ thống giáo dục, nội dung đặc trưng của GDTC được gắn liền với thể dục, trí dục, đức dục, mỹ dục và giáo dục lao động, góp phần vào mục tiêu giáo dục toàn diện trong nhà trường.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Tiến sĩ Ngô Thị Minh cho rằng: GDTC được gắn liền với giáo dục trí dục, đức dục, mỹ dục và giáo dục lao động và là một trong những nội dung quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh trong nhà trường. Do đó, để đánh giá kết quả thực hiện trong quá trình đổi mới giáo dục cần phải đánh giá ở mức độ rộng, toàn diện và tiếp cận theo đúng năng lực, phẩm chất của trẻ em, học sinh và sinh viên.
Tuy nhiên, công tác GDTC và thể thao trường học còn gặp nhiều khó khăn khi cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện thể thao và quỹ đất dành cho giáo dục thể chất và thể thao trường học tại nhiều nơi còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng, nhất là ở bậc mầm non, tiểu học. Cơ chế chính sách chưa hợp lý, công tác xã hội hóa cho hoạt động này còn thấp, chưa hiệu quả...
Đây chính là những vấn đề mà các cấp, các ngành cần tập trung để thực hiện công tác đổi mới GDTC và thể thao trường học gắn với mục tiêu giáo dục, phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, văn hoá, sức khoẻ, thẩm mỹ và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên theo Kết luận 70-KL/TW của Bộ Chính trị. Nâng cao chất lượng GDTC, phát triển các loại hình hoạt động dành cho học sinh sinh viên
Trong năm 2023-2024, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tăng cường công tác GDTC và thể thao trường học; tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình môn học GDTC, bố trí thời gian lên lớp hợp lý, khoa học góp phần nâng cao chất lượng giờ học; đổi mới hình thức, phương pháp dạy học tạo hứng thú, phù hợp với từng đối tượng học sinh và điều kiện của từng cơ sở giáo dục, không gây áp lực cho HSSV; tăng cường huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, các chương trình, dự án nhằm phát triển công tác GDTC và hoạt động thể thao trường học.
Cùng với đó, tổ chức các hoạt động thể thao gắn liền với nội dung môn học GDTC, đa dạng hóa các hình thức vận động, khuyến khích HSSV tích cực, chủ động tham gia rèn luyện sức khỏe, phát triển thể chất; duy trì việc tập luyện thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, dạy các bài võ Cổ truyền, võ Vovinam... cho HSSV; tăng cường tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp trường, cụm trường, cấp ngành cho HSSV, thành lập đội tuyển tham gia thi đấu các giải thể thao các cấp và cử học sinh tham gia các sự kiện thể thao quốc tế cấp khu vực, châu lục, thế giới.
Rà soát và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, sân bãi, trang thiết bị dành cho GDTC, HĐTT trong các cơ sở giáo dục; xây dựng kế hoạch phối hợp với cơ quan quản lý về thể dục, thể thao tại địa phương trong việc hỗ trợ sử dụng các công trình thể thao trên địa bàn cho HSSV được tập luyện, thi đấu.
Nói về công tác đổi mới GDTCở trường Đại học, ông Nguyễn Duy Quyết - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội cho biết: đổi mới tư duy sẽ tạo bước phát triển về GDTC ở trường đại học. Theo ông Quyết, phải bám sát nhận thức đổi mới toàn diện mục tiêu GDTCtrên các lĩnh vực: Nhận thức (mục tiêu liên quan đến tri thức); thái độ (mục tiêu liên quan sở thích, giá trị) và tâm vận (kỹ năng thực hành). Nhà trường cũng đổi mới chương trình đào tạo nhằm thể chế hóa mục tiêu đào tạo. Mặt khác, đổi mới phương pháp dạy học là vấn đề trọng tâm trong công tác đào tạo. Chú trọng rèn luyện các kỹ năng thực hành cho người học phù hợp với các chuyên ngành đào tạo. Trường cũng có nhiều chính sách nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm của giáo viên GDTCđể đào tạo ra những học sinh có tri thức và thể lực tốt phục vụ cho xã hội... Giải pháp thực hiện
Về giải pháp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng cần hoàn thiện hệ thống chính sách để thu hút nguồn lực phục vụ cho GDTC và các hoạt động TDTT trường học. Trong đó có chính sách tăng cường xã hội hoá, chính sách tăng cường hợp tác công tư. Phát động các sáng kiến phong trào đẩy mạnh hoạt động TDTT trong trường học.
Tiếp theo là đổi mới công tác quản lý nhà nước về GDTC, hoạt động TDTT trường học; quản trị nhà trường về giáo dục thể chất. Xây dựng hệ dữ liệu về thể chất HSSV để theo dõi và phát triển thể chất cho HSSV. Hệ thống dữ liệu phải rõ ràng, thiết thực, không đi vào liệt kê mà phải có minh chứng, đối sánh cụ thể. Có như vậy mới biết được những điểm mạnh để tập trung nguồn lực và những điểm yếu, tồn tại, hạn chế để khắc phục, tháo gỡ.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ GDTC phù hợp với điều kiện từng địa phương. Tăng cường tuyên truyền, vận động để đẩy mạnh sự phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội trong các hoạt động GDTC, TDTT trường học cho học sinh, sinh viên.