Đây là một trong những sự kiện quan trọng để những nhà quản lý, làm chuyên môn trong lĩnh vực TDTT tham khảo, lắng nghe, hiến kế, ý tưởng, phương pháp phát triển mới từ các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực TDTT cũng như tiếng nói thực tiễn từ công tác huấn luyện, quản lý, truyền thông về thể thao. Qua đó sớm tìm ra những hướng đi, sự điều chỉnh kịp thời góp phần thúc đẩy thể thao thành tích cao ngày càng tiến xa hơn.
Hội thảo định hướng phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2030 sẽ tập trung vào 2 nội dung chính gồm: định hướng mục tiêu và giải pháp phát triển thể thao thành tích cao trong thời gian tới, đặc biệt là các kỳ Olympic, ASIAD và SEA Games từ nay cho đến 2030. Thảo luận các giải pháp cụ thể nhằm giành huy chương Olympic (các kỳ năm 2024 và 2028); HCV ASIAD năm 2026 và 2030, HCV SEA Games các năm 2025, 2027, 2029.
Bên cạnh đó, những ý kiến đóng góp từ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực TDTT ở các vấn đề nóng như: đổi mới, sáng tạo trong phát triển Thể thao thành tích cao; các giải pháp ứng dụng khoa học trong công tác huấn luyện, đào tạo VĐV thể thao thành tích cao; đổi mới công tác quản lý HLV, VĐV đội tuyển tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia; công tác xã hội hóa thể thao thành tích cao.. cũng sẽ được nêu ra tại Hội nghị.
Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Trần Văn Mạnh cho rằng, để hoạch định và có những hướng đi mới, hiệu quả hơn, chất lượng hơn về khâu tuyển chọn, đào tạo VĐV đỉnh cao phục vụ cho chiến lược phát triển dài hạn có thể cạnh tranh sòng phẳng với những quốc gia mạnh trong châu lục và thế giới, cần có những nhìn nhận, đánh giá và phân tích cụ thể khó khăn, hạn chế đối với từng bộ môn thể thao thành tích cao.
"Do đó, Hội nghị lần này nên tổ chức theo phương thức mở để đón nhận những ý kiến đa chiều từ các thành viên dự Hội nghị. Có như vậy, sự kiện mới mang lại hiệu quả cao" - Ông Trần Văn Mạnh nói.
Theo Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, ngành TDTT hiện có rất nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết như: Làm sao để đạt hiệu quả cao trong công tác xã hội hóa thể thao thành tích cao; Hiện đại hóa các phương tiện tập luyện và chăm sóc VĐV ở các Trung tâm thể thao cấp cao nước nhà; Vấn đề y học thể thao, chăm sóc, chữa trị chấn thương cho VĐV, chống sử dụng chất kích thích trong thể thao…
"Đây đều là những vấn đề quan trọng và cấp thiết mà ngành TDTT đã và đang từng bước tháo gỡ và tìm phương án phù hợp để điều chỉnh, thích ứng theo từng giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện các vấn đề nêu trên vẫn còn chưa bài bản, nguồn kinh phí còn gặp nhiều khó khăn dẫn tới kết quả đạt được chưa được như mong muốn" - Cục trưởng Đặng Hà Việt nói.
Hướng tới sự kiện quan trọng nhất của ngành TDTT trong năm 2023, Cục TDTT đã chỉ đạo Ban tổ chức và các Tiểu ban giúp việc gấp rút rà soát lại toàn bộ các khâu liên quan đến công tác chuẩn bị tổ chức sự kiện này được đảm bảo chu đáo, kỹ lưỡng và hiệu quả nhất.
Tác giả: Bạch Dương
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn